CHƯƠNG TRÌNH TỪ THIỆN 2018- ”Trao Yêu Thương- Nhận Nụ Cười “

Đã ba năm trôi qua kể từ thành công của dân vận Chơ Chun. Bây giờ ngồi lại và hồi tưởng về những kỷ niệm đã trải qua, tôi vẫn nhớ như in chuyến đi từ thiện ấy, như thể mọi thứ chỉ vừa mới xảy ra.

Trở về từ chuyến đi tiền trạm cùng những người anh em trong Nhóm, tôi đã mơ về nụ cười và ánh mắt đầy háo hức hân hoan của những đứa trẻ vùng cao khi nhận được quà, những đôi má hây hây đầy sức sống toát lên trong cái rét buốt của ngày cuối đông. Tôi cũng đã nghĩ về niềm vui của chính mình khi được sống có ích, được sẻ chia cả về vật chất lẫn tình thương yêu. Nhưng chuyến đi từ thiện đến Chơ Chun lần này có lẽ cho tôi nhiều hơn thế.

Sau 3 tháng chuẩn bị, Nhóm chúng tôi xuất phát lên Chơ Chun vào một ngày đầu năm mới 2018. Mang theo chút không khí hơi se lạnh và mưa phùn của tiết trời cuối đông, tôi lên xe với tâm trạng đầy nôn nao và mong chờ. Nhìn đồng hồ:”3 giờ 30 phút sáng”, vẫn còn quá sớm nên mọi người trên xe dần chìm vào giấc ngủ. Tôi nhìn qua khung cửa sổ, ngoài đường không một bóng người, mưa cũng đã dần nặng hạt hơn, bất chợt tôi lại cảm thấy lo lắng. Như nhận thấy điều gì đó từ ánh mắt tôi, anh Huy (Leader) gọi tôi qua bộ đàm:” mọi thứ rồi sẽ ổn, đừng lo, anh em cố lên”. Chúng tôi nhìn nhau cười.

Chúng tôi lên xe với tâm trạng đầy nôn nao và mong chờ.

6 giờ sáng, xe bắt đầu leo đèo. Nhìn qua khung cửa sổ cảnh núi rừng hùng vỹ hiện ra trước mắt tôi, mây hờ hững lang thang qua từng ngọn núi, núi hiên ngang nhẹ nhàng nâng bước mây, wào thật đẹp!. Một bạn bắt đầu lôi guitar ra đàn, cả xe chúng tôi hát theo, tiếng hát vang rồi tan dần qua những cung đường quanh co hiểm trở. Một chút âm nhạc để tận hưởng khung cảnh thơ mộng này được trọn vẹn hơn và cũng là cách để chúng tôi quên đi nỗi sợ, nỗi lo lắng vẫn còn đọng lại trong lòng. 

Con dốc ngày càng cao, lại liên tục nối tiếp nhau ở những đoạn khúc nguy hiểm, một bên là vách núi cao hun hút, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đường trơn, nhìn xe từ từ chậm rãi bò lên dốc mà tôi nín thở, Anh Huy ra hiệu cho chúng tôi bình tĩnh để bác tài vững tay lái. Có đoạn mấy anh lớn phải xuống phụ nhau đẩy xe lên. Trên xe, tụi nhỏ chúng tôi bày trò hò dô cổ vũ tinh thần cho tụi anh, có vậy thôi mà vui cả chặng đường dài sau đó. Vui vì khó khăn nào cũng đã có anh lớn lo, vui vì có mệt mỏi thế nào thì cũng đã có tụi nhỏ hậu thuẫn rồi nè. Chúng tôi vẫn luôn yêu thương nhau qua những điều nhỏ xíu như vậy.

Mọi người hỗ trợ nhau đẩy xe lên những con dốc cao.

11 giờ 15 phút trưa , mặt trời ló dạng hơi ửng nắng ấm, đoàn xe dừng lại cách điểm tập kết còn rất xa.Tôi đưa ánh mắt ngờ nghệch nhìn xung quanh, bốn bề là núi rừng, bên cạnh có một con suối nhỏ, duy chỉ có con đường độc địa phía trước cũng đã lầy bùn đất đỏ bazan sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài. Nhiều cô chú đồng bào đã có mặt để giúp chúng tôi vận chuyển quà lên điểm tập kết, thấy xe đến ai cũng cười vui rạng rỡ. Theo như lời chỉ dẫn của họ thì chúng tôi phải đi đường tắt vòng qua núi để tránh đường lầy bùn và để nhanh hơn trước khi trời trở tối

Bà con đã đến từ sớm để giúp chúng tôi vận chuyển quà.
Mọi người chuyền tay nhau tập kết hàng trong tinh thần phấn chấn, vui vẻ.

Chúng tôi chuyền tay nhau tập kết hàng tại một bãi đất trống. Một phần quà sẽ được trích ra để gởi đến cho đồng bào thôn Côn- Zốt 1, còn lại hơn 3 tấn hàng chúng tôi sẽ vận chuyển lên thôn A- Xò, nơi xa xôi và khó khăn nhất của xã Chơ Chun. 11 giờ 45 phút , thành viên trong nhóm bắt cặp với nhau bỏ quà lên cáng và xuất phát theo người dẫn đường.

Hân và chị Mân cùng nhau vận chuyển quà lên điểm tập kết.

Đường núi khá dốc, chỉ có con đường mòn là lối đi duy nhất. Đi cùng tôi có Quốc- Lực, Thanh – Trung, Linh – Thảo, Hân, cáng của họ trông rất nặng, nước mắm, xì dầu còn cả muối, đường, mì chính… vv. Trên vai tôi chỉ vỏn vẹn 4 thùng mỳ tôm, nhưng bước chân cũng đã dần nặng nề. Phía sau tôi vẫn còn anh Tài – Thiện đang vật lộn với cái loa di động vừa nặng vừa cồng kềnh.  Leo được một đoạn chúng tôi phải dừng lại thở, quá nặng. Anh Trung ngồi bệt xuống và vạch áo ra, dưới lớp áo là bờ vai in hằn vệt đỏ máu vì sức nặng của dây cáng đè lên. Không ổn. Mọi người bắt đầu lấy áo ra lót vai, quấn tay cầm cho nhau và gồng mình tiếp tục leo.

Đường núi rất dốc, leo được một đoạn chúng tôi phải dừng lại thở vì quá nặng.

2 giờ chiều, chúng tôi leo đến gần đỉnh núi, anh em đã đuối sức, Nặng nề và mệt mỏi đang dần lấn át lý trí chúng tôi. Để giảm tải trọng lượng, chúng tôi liều mình lấy hết đồ ăn và nước uống trong balo ra dùng. Nhưng mọi thứ vẫn không khả quan hơn. Mọi người động viên nhau cố lên, từng bước chân vẫn mang theo niềm tin tiến về phía trước. Bất chợt điều tôi không mong cũng đã đến. Trời đổ mưa, Ông trời như đang tăng thêm độ khó cho quãng đường phía trước vốn đã rất nhọc nhằn rồi. Mưa rơi kéo theo luồng không khí lạnh phà vào mặt tôi, xuyên qua từng lớp áo đang thấm đẫm mồ hôi, tôi rùng mình nổi da gà, tay chân bắt đầu tím lại, hô hấp đã không còn ổn định. Anh em khác vẫn đang cắn răng leo núi, bước chân đã không còn trụ vững, vài bạn liên tục bị trượt chân, Khánh Linh và Thảo là cặp nữ duy nhất mạnh mẽ và kiên cường đến giờ phút này. Mưa nặng hạt hơn, nước đổ xuống khiến con đường càng trở nên trơn trượt. Dưới lớp đá gồ gề, mấy con vắt vẫn tuôn ra bám chặt vào chân, tay mọi người, Thảo giật con vắt và ném ra xa. Bây giờ nó đã không còn là nỗi sợ đối với chúng tôi nữa. 

Anh Bình cắn răng vì sức nặng của cáng quà đang ghì chặt lên vai anh.

Mọi người động viên nhau cố lên, từng bước chân vẫn mang theo niềm tin tiến về phía trước4 giờ 45p phút chiều, thời gian như dừng lại vô tận. Bỗng phía trên có người đang đi xuống, đó là mấy cô chú đồng bào xuống giúp chúng tôi vận chuyển quà lên. Gánh nặng hiện tại đã được san sẻ đôi phần nhưng chúng tôi cũng đã cạn kiệt sức lực. Trời đã chập chạng tối, nhận thức rằng không thể ở đây lâu, bốn chúng tôi ( Lực, Thảo, Quốc, tôi)  khoác tay, dựa vào nhau tiếp tục leo, anh Thanh, Huy, Trung, Trị đi sau cùng để đảm bảo rằng sẽ không có một ai đi lạc. Linh bắt đầu hát, chúng tôi hát, hát để lấy lại tinh thần lạc quan cùng vượt qua chính bản mình, hát để quên đi cái lạnh đang thấm vào từng thớ thịt.

Cô chú đồng bào xuống giúp chúng tôi vận chuyển quà.

5 giờ 15p chiều, chúng tôi gặp mọi người tại đường cụt, trước mắt tôi bây giờ là rừng nguyên sinh, không đường mòn, không lối ra, xung quanh chỉ toàn là cây cối rậm rạp. Không thể lùi được nữa, chúng tôi nối đuôi dắt tay nhau băng rừng trước khi trời tối hẳn, anh Trị chị Mân ở phía sau liên tục nhắc nhở tôi cẩn thận bám chắc chân. Độ dốc của rừng khá đứng, không cẩn thận để trượt chân thì cực kỳ nguy hiểm. 20 phút sau, chúng tôi đến được đoạn đường bê tông. Một vài cô chú trong làng đã chờ ở đây để đón chúng tôi đến điểm tập kết, thật cảm động vì vào những khoảnh khắc khó khăn nhất cô chú vẫn vui vẻ ở đây và giúp đỡ chúng tôi đến cùng.

7h tối, tôi và chị Ty được một anh chở đến điểm tập kết hàng hoá. Đây chưa phải là đích đến cuối cùng, muốn di chuyển đến chỗ nghỉ ngơi vẫn còn phải hành quân một đoạn khá xa nữa. Chị Diễm anh Tài và một vài anh chị khác dẫn dắt chúng tôi. Trời tối om, không điện, không xe cộ,  không một bóng nhà, vẫn là cây cối cỏ hoa bầu bạn cùng. Tôi bước đi với cơ thể đã quá mệt và đôi chân đã rã rời. 8h tối, cuối cùng cũng đã đến được nhà sinh hoạt, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Di chuyển hơn 8 tiếng ngoài rừng núi, đôi lúc tưởng chừng như bản thân không thể tiếp tục, nhưng rồi bằng niềm tin và sự động viên, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua tất cả.

 

6h giờ 15 phút, sáng ngày thứ 2, đập vào mắt tôi là cảnh núi rừng đại ngàn xen lẫn với những thung lũng uốn cong nhẹ nhàng, mây mù phảng phất trên những sườn núi xa xa, mặt trời đang dần nhô sau rặng núi, nắng rót mật vào mây, mây cùng gió reo đùa. Tất cả hoà lẫn vào nhau tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Đứng ngắm nhìn thiên nhiên đất nước trên cao tôi phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một vùng non sông gấm vóc. 

Xung quanh tôi bây giờ chỉ có một vài căn nhà sàn nằm cách nhau. Tôi ghé vào một căn nhà cạnh đường dẫn nước của làng. Một vài em nhỏ đang ngồi chơi trước nhà, thấy tôi đến các em trông có vẻ là ngượng ngùng lắm. Các em bảo lần đầu trông thấy anh chị người kinh lên đây cho quà.

Tôi bảo: “Vậy tí xuống nhận quà về ăn Tết nha”.

Các em đều đồng loạt dạ hớn hở. Tôi để ý thấy có một em đang ăn gì đó, lại gần thì thấy em đang chấm đường.

– Tôi hỏi: “Sao con lại ăn đường?”.

– ”Tại nhà con không có gì nên con ăn đường cho đỡ đói” – Đứa bé nhanh nhảu đáp.

– ”Ba mẹ con đâu” – Tôi hỏi tiếp.

– “Ba mẹ đang đi làm ăn xa, con ở nhà với bà” – Câu nói hồn nhiên của một đứa trẻ chừng 7 tuổi.

Tôi nghẹn lòng. Bước vào trong, cái nghèo hiện rõ ra trước mắt tôi, ngoài vài áo quần cũ được móc lên dây thì có thêm ít chiếu và mền gối đã cũ mềm, trên trần nhà có treo lủng lẳng vài trái ngô khô cùng với ít sắn rừng, dưới bếp chỉ có đôi ba chiếc chén đũa xoong nồi. Không bàn, không ghế, không giường, không tủ, không đồ ăn, không điện, không gì cả. Tôi về và mang cho các con vài gói mỳ tôm, đó là tất cả những gì mà tôi có hiện tại. Các con nhận xong còn bảo hôm nay vui như Tết vậy. Tôi lại nghẹn lòng.

Thật tiếc vì lúc đó tôi đã quên hỏi tên cậu bé.

7h00p, chúng tôi xuất phát xuống điểm tập kết để trao quà. Bà con nghe tin chúng tôi lên đã đến đợi đông đủ. Mọi người cười nói rôm rả trông vui vẻ lắm, tôi còn nghe một cô rằng đây là lần đầu tiên có nhóm từ thiện đến đây cho quà. Chúng tôi bắt đầu treo băng rôn, phân loại và sắp xếp quà ngay ngắn, mỗi người một công đoạn theo dây chuyền đã được anh Huy giao phó. Trước khi trao quà, Nhóm tôi giao lưu văn nghệ và trò chuyện để gần gũi với bà con hơn. Chị Ty đại diện ban văn nghệ hát 1 bài, chúng tôi và bà con vỗ tay nhún nhảy cùng nhau, ai cũng cười tít cả mắt, vui mừng như ngày hội.

Chị Ty và Ký đang giao lưu văn nghệ cùng bà con.
Chúng tôi đã cùng nhau nhảy múa và hát hò. 

Các hộ gia đình lần lượt lên nhận quà, mỗi phần quà gồm có: 4 thùng mỳ, 4 bao quần áo, 2 chăn ấm, xì dầu, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, lifebouy, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, bánh kẹo cho trẻ em…ngoài ra còn có sách vở,đồ chơi trẻ em, 2 bộ dụng cụ cắt tóc và 1 loa di động cho Đoàn xã.Chúng tôi chụp một vài tấm hình kỷ niệm cùng với những người dân nơi đây để lưu giữ lại những khoảnh khắc mà có lẽ khó có cơ hội được trở lại.

Chúng tôi chụp một vài tấm hình kỷ niệm để lưu giữ lại những khoảnh khắc mà có lẽ khó có cơ hội được trở lại.

Đại diện thôn, anh thôn trưởng lên phát biểu: ” Cảm ơn các bạn đã không quản ngại đường xá xa xôi đến đây giúp đỡ bà con có một cái tết ấm no, hạnh phúc hơn, chúc các bạn đi về thượng lộ bình an, thôn không có gì góp nhau tặng các bạn một can mật ong rừng, 4 con gà và cơm lam đã nướng sẵn để các bạn ăn dọc đường”. Đến đây tôi đã khóc, cạnh tôi anh Huy mới tối qua còn mạnh miệng chửi tôi mà giờ cũng ngồi khóc nức nở như một đứa trẻ. A- Xò, Chơ Chun một nơi tưởng chừng như mọi khó khăn đều hiện hữu một cách rõ ràng và chân thật, nay đã trở thành người bạn khó quên trong chuyến thanh xuân của cuộc đời. Họ không có gạo để ăn, chưa có điện sinh hoạt, chưa có nhiều trường học, vẫn còn đó những mái lá tranh đơn sơ, chưa có trạm y tế và điều kiện thiếu thốn rất nhiều. Chúng tôi đã thật sự cảm động, cảm động vì sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con nếu không nhờ bà con giúp đỡ chúng tôi không biết vận chuyển hết số hàng đó bằng cách nào, cảm động vì trong thời khắc khó khăn như vậy mà vẫn lo lắng cho chúng tôi, sợ chúng tôi mệt, sợ chúng tôi đói. Cái tình người đậm đà ấy thấm đến từng ruột gan mà mãi đến sau này chúng tôi vẫn không thể nào quên được.

Đại diện thôn, anh Thôn trưởng gởi lời cảm ơn đến Nhóm chúng tôi.

9 giờ 15 phút sáng, chúng tôi lần lượt chào tạm biệt bà con rồi xuất phát ra về với niềm hân hoan trong lòng, dẫu biết rằng phía trước vẫn còn 7 tiếng đi bộ nữa. Không còn là đường rừng dốc, sỏi đá gồ ghề, trước mắt chúng tôi bây giờ là con đường lầy bùn sâu và trơn trượt. Nhấc chân lên là bùn dẻo, thả chân xuống là bùn trượt. Cứ mỗi lần nghe tiếng bịch là chúng tôi phá lên cười lớn. Tôi không còn nhớ mình đã té bao nhiêu lần nữa. Chỉ nhớ rằng ngày đó bùn từ chân đến đầu. Chị Diễm anh Tài đề nghị làm hoa tiêu giúp tôi, nhắc tôi đi sau dấu chân của anh chị, có đoạn bước hụt bùn lún đến tận đầu gối chị, chị không lo cho mình, mà còn vội nhắc tôi bước sang bên kia. Cảm động anh chị thật sự. Lúc đầu còn đi 2 chân, sau tiến bộ hơn chúng tôi đi 3 chân cho vững. Nhưng không bên kia sang hơn ” Biệt đội 4 chân” ra đời. Cầm đầu là chị Đặng Phúc với xã đoàn hùng hổ phía sau, kiểu này thì té thế nào được nữa.

Đoạn đường đi về đầy bùn lầy và trơn trượt.
Cứ mỗi lần nghe tiếng bịch là chúng tôi phá lên cười lớn.

4 giờ 10 phút chiều, sau 7 tiếng vật lộn với đống bùn cuối cùng chúng tôi cũng đã đến địa điểm xe đợi. Gần một ngày hành quân ròng rã trên đường, đôi lúc chúng tôi đã đặt niềm hy vọng vào cái gọi là  ” 30 phút nữa tới ” của người dân nơi đây, để rồi sau hơn mươi lần cái 30p ấy chúng tôi lại đặt niềm tin vào chính đôi chân của mình.

Khó khăn vất vả nào rồi cũng qua, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn tất cả anh em đã đồng cam cộng khổ cùng nhau. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng quyên góp chỉ để cho đi được nhiều nhất có thể. Chúng tôi đã vượt nắng mưa, đổ mồ hôi, công sức, đôi khi là cả máu chỉ để nhìn thấy niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của đồng bào khi có được tấm áo mới và niềm vui hớn hở của các em nhỏ khi được nhận gói bánh, gói quà.

Tất cả chúng tôi chụp một tấm ảnh kỷ niệm cùng nhau.

Chúng tôi, những con người khoác trrên mình chiếc áo màu xanh hy vọng đã mang đến cho đồng bào nơi đây một cái tết ấm no hơn, hạnh phúc hơn, trọn vẹn hơn. Đây cũng chính là sứ mệnh và giá trị cốt lõi mà Nhóm chúng tôi luôn hướng đến qua mỗi chương trình thiện nguyện. Qua đây, chúng tôi cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành đến các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đã luôn luôn theo dõi và ủng hộ chúng tôi. Để chúng tôi ngày càng thực hiện được nhiều chương trình thiện nguyện hơn nữa. Xin cảm ơn.